Điểm sáng trong công tác giảm nghèo
Đồng chí Phạm Thị Tươi, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung cho biết: So với trước đây, đời sống mọi mặt của người dân trong thôn đã được nâng lên rất nhiều. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ của Nhà nước, các hộ dân đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện đời sống. Trong số này có thể kể tới trường hợp của gia đình chị Bàn Thị Hòa hoặc gia đình chị Bàn Thị Thơm. Từ chỗ còn khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ, được cấp ủy, chính quyền động viên, tạo điều kiện cộng với sự nỗ lực của chính gia đình đã tập trung phát triển mô hình kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi, mạnh dạn xin việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh... nên thu nhập ngày một nâng lên, thoát khỏi diện hộ nghèo.
Bản Bung hiện có 88 hộ với hơn 350 nhân khẩu, chiếm phần lớn là đồng bào dân tộc Dao. Trao đổi cùng chúng tôi, cả bí thư chi bộ Phạm Thị Tươi và nhiều người khác trong thôn đều cho biết, sau khi nhận tiền đền bù, hỗ trợ để phục vụ thi công hồ chứa nước Nặm Cắt, các hộ dân sử dụng một phần để xây nhà mới, phần còn lại dành để đầu tư vào phát triển kinh tế.
Trước kia, đường đi lại khó khăn, mỗi lần đem các mặt hàng nông sản xuống trung tâm xã để bán mất rất nhiều thời gian và giá không được cao. Từ khi về nơi ở mới, mọi thứ thuận tiện hơn, lại nhận được sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án và sự tuyên truyền, vận động, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương nên người dân tập trung canh tác, thực hiện các mô hình sản xuất trên những diện tích đất đồi gần nơi ở cũ với các cây trồng có giá trị cao, như: Cây mơ vàng, ổi, dứa, trồng rừng và chăn nuôi lợn, gà, dê.
Đạt nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, thôn đã được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng vì đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo giai đoạn 2020 - 2022. Đến nay, phần lớn các hộ đều có nhà ở kiên cố; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Nhân dân luôn đoàn kết, tin tưởng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế để không ngừng cải thiện đời sống.
Phát triển kinh tế gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống
Ở Bản Bung, nhiều hộ có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm từ các mô hình kinh tế V.A.C.R, tiêu biểu như hộ Đặng Phúc Tài, Đặng Văn Đức, Đặng Phúc Quý... và ngay chính gia đình bí thư chi bộ Phạm Thị Tươi cũng là một trong số những hộ có thu nhập cao của thôn.
Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, thời gian qua, các hộ dân trong thôn đã tích cực tham gia đóng góp vào thực hiện xây dựng nông thôn mới bằng việc đóng góp làm đường bê tông, xây dựng công trình sân thể thao... Kết thúc năm 2024, Bản Bung đạt thôn nông thôn mới; toàn thôn chỉ còn 06 hộ nghèo và 03 hộ cận nghèo, đây là những hộ hiện còn thiếu về tiêu chí nhà ở, hoặc có người ốm đau dài ngày.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của thôn luôn được duy trì, phát triển. Đặc biệt, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc rất được chú trọng, nhất là đối với nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống, hát Páo Dung. Năm 2024, có 82/88 hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", thôn đạt danh hiệu "Khu dân cư văn hoá"...
Năm 2025, Bản Bung đề ra mục tiêu giảm từ 01 đến 02 hộ cận nghèo. Sau khi rà soát, bình xét nhận thấy với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền và sự quyết tâm của chính các hộ dân nên có thể đạt được.
"Để Bản Bung tiếp tục phát triển, mong cấp trên triển khai nhiều chương trình, dự án hơn để người dân có thêm nguồn lực đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, hỗ trợ thôn duy trì, phát huy giá trị nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống...", Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung Phạm Thị Tươi mong muốn./.
Hoàng Vũ
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/giam-ngheo-o-ban-bung-a10141.html