Cao Bằng: Tăng cường kiểm soát tệ nạn mại dâm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, địa bàn tỉnh không có tụ điểm nóng, phức tạp về tệ nạn mại dâm, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn dưới nhiều hình thức kinh doanh như quán massage, karaoke.

Đối tượng mại dâm đa phần là người từ tỉnh ngoài đến, hoạt động lưu động, không có nơi cư trú ổn định, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng ngừa. 

Tập trung đảm bảo an ninh, an toàn xã hội

Từ đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 630/KH-UBND ngày 20/03/2024 về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2024, giao nhiệm cụ cho các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị và địa phương.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, tỉnh đã xây dựng đa dạng nội dung tuyên truyền, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, đối tượng, thu hút nhiều người tham gia, tập trung vào các đối tượng là phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, học sinh, nhân viên nữ ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn. 

screenshot-1732780991-1732781213.png
Mại dâm vẫn tiềm ẩn núp dưới nhiều hình thức kinh doanh như quán massage, karaoke (Ảnh: Như Ngọc). 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị cũng phối hợp thực hiện một số hoạt động lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống mua bán người…

Có thể kể đến, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mại dâm với công tác tuyên truyền dân vận được 17 buổi, 1.219 lượt người nghe. Trạm y tế thường xuyên tổ chức truyền thông, tư vấn các biện pháp dự phòng, lây nhiễm HIV, chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình. 

Các xã, phường đã thống nhất triển khai hoạt động can thiệp trong nhóm người nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm. Mạng lưới các nhóm đồng đẳng, cộng tác viên, y tế thôn bản là lực lượng cốt cán tiến hành tiếp cận nhóm người có hành vi nguy cơ cao để truyền thông, tư vấn, cấp phát bao cao su, tài liệu truyền thông, hỗ trợ liên hệ các cơ sở dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và điều trị thuốc kháng virus (ARV).

Tuy nhiên, việc xây dựng các mô hình câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng có sự tham gia của người bán dâm trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được do hạn chế trong việc quản lý số người bán dâm sau khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, các đối tượng bán dâm phần lớn là người ngoài tỉnh, không có nơi lưu trú cố định, các đối tượng muốn che dấu các thông tin cá nhân.

Song song, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 34 cơ sở lưu trú du lịch, 13 cơ sở kinh doanh karaoke, 21 cuộc kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội, hoạt động kinh doanh lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch. Kết quả, phát hiện, xử lý 4 vụ, 8 đối tượng vi phạm hành chính về phòng, chống mại dâm.

Một số kiến nghị, đề xuất từ tỉnh

UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp các Bộ, ngành liên quan báo cáo, trình Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy định xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống mại dâm cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Thứ nhất, nghiên cứu, ban hành các quy định và chế tài xử lý về hành vi khiêu dâm, kích dục, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vi phạm. 

Thứ hai, bổ sung chế tài đối với các đối tượng thực hiện hành vi mua dâm, bán dâm tái phạm nhiều lần. Ví dụ, xem xét, bổ sung quy định áp dụng các biện pháp giáo dục, răn đe bằng hành động thực tiễn đối với các hành vi mua dâm, bán dâm, cụ thể như: buộc phải lao động công ích đối với người bán dâm, người mua dâm, thường xuyên vi phạm, đã bị xử lý hành chính nhiều lần, nhằm bảo đảm việc thực thi pháp luật có hiệu quả.

Đồng thời, nghiên cứu, xem xét ban hành văn bản hướng dẫn về tiêu chí xác định cụ thể “người bán dâm ước tính”, “người có nguy cơ cao tham gia tệ nạn mại dâm” để địa phương có căn cứ thống kê, báo cáo cũng như lựa chọn đối tượng phù hợp thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm.

Bên cạnh đó, tiêu chí xác định thế nào là “người bán dâm”. Ví dụ, trong trường hợp quy người bán dâm sau khi bị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm pháp luật về hành vi bán dâm và họ đã hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt, trở về với gia đình, cộng đồng, thì họ có được coi là người bán dâm nữa hay không.

 

Tuấn Thịnh

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/cao-bang-tang-cuong-kiem-soat-te-nan-mai-dam-a10014.html